25/11/2020

Cập nhật thị trường gỗ Việt Nam hậu Covid-19

Screenshot 2020-11-25 at 11.27.01.png

Những khó khăn và thử thách mà thị trường gỗ và các sản phẩm liên quan đến gỗ tại Việt Nam đang vướng phải, cùng với những giải pháp chiến lược lâu dài.

Trong những năm gần đây, ngành gỗ là điểm sáng với những hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ và những sản phẩm gỗ sang các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Lợi thế và tiềm năng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ, nội thất trong những năm tới đây là rất cao nếu Việt Nam và các doanh nghiệp ngành gỗ có những định hướng phát triển đúng đắn và linh hoạt với thị trường.

Tuy nhiên, những thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn đó, như: kham hiếm nguồn nhân lực do nguồn cung từ các trường cao đẳng đại học, trường nghề vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường, và các nhân sự có tay nghề thường dịch chuyển sang nhiều ngành khác. Ngoài ra, tổ chức sản xuất – chế biến còn lỏng lẽo vì các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt thường có xu hướng tự tìm nguồn nguyên liệu và tự sản xuất sản phẩm hoàn thiện mà chưa có tư duy chuyên môn hóa theo công đoạn và kết nối thành chuỗi dài. Một “nút thắt” nữa là nguồn nguyên liệu đang không đáp ứng kịp nhu cầu dẫn đến chi phí không ổn định.


Thêm vào đó, năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thử thách đối với nền kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế một cách triệt để, kèm theo mùa mưa kéo dài và bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước trong suốt hơn chín tháng đầu năm. Chính vì những yếu tố nêu trên mà nguồn cung gỗ nguyên liệu càng thiếu hụt nghiêm trọng và chi phí sản xuất cũng tăng vọt. Từ cuối tháng 08, các công ty gỗ tại Trung Quốc đổ xô tìm kiếm và thu mua số lượng lớn veneer sản xuất tại Việt Nam với giá rất cao, chênh lệch đến hơn 7% so với giá thị trường. Ngoài ra, hiện tại giá nguyên vật liệu (melamine, phenol, NaOH, bột mì, v.v.) nhập khẩu cũng có những gia tăng đáng kể (tăng 10-25%) vì chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao.

Như vậy, trong thời gian mở cửa lại thị trường, ngành gỗ nói chung đang gặp những vấn đề liên quan đến nguồn cung ứng thiếu hụt, chi phí nguyên vật liệu và sản xuất tăng đáng kể. Và nhằm đảm bảo được sự tăng trưởng đột phá về giá trị và phát triển bền vững, ngành gỗ cần có chiến lược giải quyết từ gốc các nút thắt trên với sự tham gia tích cực từ các nhân tố trong chuỗi cung ứng cũng như sự hỗ trợ từ phía Chính Phủ Việt Nam.

Để tháo gỡ “nút thắt” về nguồn nhân lực, cần tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở dạy nghề, tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm về lâm nghiệp, có khả năng đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Phối hợp và liên kết chặt chẽ giữ nhu cầu của doanh nghiệp và nguồn cung nhà trường doanh nghiệp tiếp cận sớm với nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng làm việc.

Việc xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ thành một mạng lưới giá trị đa chiều cũng sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững. Mỗi doanh nghiệp với những thế mạnh khác nhau có thể hỗ trợ nhau tận dụng các nguồn lực về nguyên liệu, đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất và khai thác hiệu quả các thị trường quy mô lớn.

Vì vậy để có thể vượt qua những thách thức của hiện tại, tạo sự đột phá về tăng trưởng và phát triển bền vững, Nhà Nước và các doanh nghiệp cần phối hợp trong những chiến lược cụ thể và lâu dài. Và quan trọng nhất là các doanh nghiệp sát cánh đi cùng nhau chứ không thể “đơn phương độc mã” tự phát triển.

Tham khảo từ các nguồn:
  1. Đột phá tăng trưởng ngành gỗ - Bài 1: Dư địa lớn: https://bnews.vn/dot-pha-tang-truong-nganh-go-bai-1-du-dia-lon/148557.html
  2. Đột phá tăng trưởng ngành gỗ - Bài 2: Không ít thách thức: https://bnews.vn/dot-pha-tang-truong-nganh-go-bai-2-khong-it-thach-thuc/148558.html
  3. Đột phá tăng trưởng ngành gỗ - Bài 3: Tháo gỡ nút thắt: https://bnews.vn/dot-pha-tang-truong-nganh-go-bai-cuoi-thao-go-nut-that/148559.html